Hàng năm cứ đến mùa cưới, vấn đề tổ chức một lễ cưới như thế nào là hợp lý, là tốt lại được mọi người quan tâm, bàn luận. Xưa kia, ông bà ta có câu “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” ba việc ấy thật là trọng và phải được xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ngày nay do biến chuyển của xã hội việc dựng vợ, gả chồng và tổ chức cưới xin lại có những thay đổi xét trên bình diện văn hóa, văn minh.
Cưới hỏi ngày xưa
Tục cưới xin xưa chịu ảnh hưởng của thuyết “thọ mai gia lễ”. Về sau, tùy theo thời đại và hoàn cảnh có thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên về đại thể, tục cưới xin được tiến hành theo các bước sau:
Đám hỏi: Khi thanh niên nam nữ đến tuổi, được cha mẹ tìm hiểu đám nào tương hợp sẽ nhờ người mối lái, “bà mối” đến nói với nhà gái, nếu bằng lòng thì nhà trai mang cau, chè đến giạm hỏi. Trong thời gian nhà gái còn đắn đo, cân nhắc, nhà trai nhân các ngày lễ, tết đến thăm và đưa biếu giò, lễ vật. Nếu có dấu hiệu nhà gái ưng thuận nhà trai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi. Trong lễ này, nhà trai mang cau, trầu, chè, lợn, xôi… đến nhà gái làm lễ gia tiên (trường hợp giảm tiện, đồ lễ chỉ cần cau, trầu, chè…).
Cưới: Sau sêu nửa năm hoặc một năm thì cưới; không sêu mà cưới ngay là thiếu lễ, người đời sẽ chê cười, họ hàng nhà gái sẽ không bằng lòng, lễ cưới còn có các thủ tục sau:
Thách cưới: Nếu nhà trai, nhà gái không có tang chế gì thì nhà trai đến nhà gái nói chuyện xin được tổ chức đám cưới. Nhà gái qua “bà mối” trả lời nhà trai, nếu nhà trai lo được lễ vật thì chọn “ngày lành, tháng tốt” xin nhà gái cho cưới. Nhà trai có thể xin nhà gái bớt cho ít nhiều về lễ vật. Tuy nhiên, nếu thương lượng không xong thì lễ cưới phải hoãn lại, có trường hợp nhà trai, nhà gái oán ghét nhau chính là do nguyên nhân không thỏa thuận được về lễ vật.
Đón dâu: Nếu công đoạn thách cưới suôn sẻ thì sẽ tiến hành lễ đón dâu. Đoàn đón dâu khởi hành vào giờ tốt (thường là giờ hoàng đạo) do một người già có uy tín, hiền lành, vợ chồng song toàn, đầy đủ con cháu… cầm một bó hương đi đầu, theo sau là người dẫn lễ, chú rể khăn áo lịch sự, có phù rể hộ tống. Khi đến nhà gái, nhà trai đặt lễ vật lên bàn, đại diện nhà gái nhận lễ, mời nhà trai uống nước ăn trầu và dùng bữa “Cơm chiều”; xong xuôi, nhà trai có lời xin dâu, nhà gái phải tỏ ra dùng dằng, lần khần một lúc mới đồng ý cho nhà trai rước dâu.
Đưa dâu: Đoàn đưa dâu cũng do một người già làm trưởng đoàn, theo sau là họ hàng và các cô phụ dâu, hòa cùng đoàn đưa dâu là đoàn nhà trai. Đến nhà trai một vài bà có uy tín sẽ dẫn cô dâu vào làm lễ gia tiên, lạy cha mẹ, ông bà của chồng. Họ hàng nhà trai mừng cho hai vợ chồng những đồng bạc mới. Tiếp đó hai họ cùng ăn chung cỗ cưới, ăn uống xong thì được lấy phần mang về (nhất thiết phải có xôi, thịt, bánh, giò, chả, trầu cau…). Nhà trai tiễn nhà gái về rồi lại tiếp tục cuộc vui.
Lại mặt: Sau lễ cưới ba hôm, hai vợ chồng trẻ mang chè, xôi về nhà vợ lễ gia tiên, lễ này gọi là lại mặt, chữ gọi là “Tứ hỷ”.
Ngày xưa rất coi trong cưới hỏi, xem đó chuyện hệ trọng của cả cuộc đời con cái mình, nên vì vậy mà bậc cha mẹ luôn xem trong và đặt nặng vấn đề. Có một số cặp được gặp nhau, có chút tình cảm, thì sau này về sống chung hòa thuận. Hoặc có một số cặp được cha mẹ đặt đâu thì ngồi đó, cha mẹ chọn con dâu cho con trai của mình mà không cần sự đồng ý của chàng trai. Người xưa cũng hay xem tuổi, đoán mệnh để xem sự hòa hợp. Nhưng đa số các cặp đôi thời đó đều sống với nhau đến đầu bạc răng long, con cháu đầy đàn.
Cưới hỏi ngày nay hiện đại hơn
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, phong tục tập quán cưới xin của người dân đã có sự thay đổi theo xu hướng đời sống mới. Trước hết, những phong tục rườm rà, nhiêu khê trong cưới xin dần loại bỏ như: Tệ tảo hôn, thách cưới… chuyện ép buộc hôn nhân, tệ “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” bị xã hội lên án, chỉ còn rất ít ở một số nơi thuộc vùng sâu, vùng xa. Luật hôn nhân ra đời có giá trị như một cuộc cách mạng trong hôn nhân. Một phong cách mới trong cưới xin dần được hình thành. Nam nữ yêu nhau chủ động đến chính quyền địa phương (cấp xã) đăng ký kết hôn để được cấp giấy chứng hôn hay giá thú. Lễ cưới được tổ chức sau đó, phổ biến là tiệc trà, nước, bánh, kẹo và liên hoan văn nghệ. Quà mừng cô dâu, chú rể là những vật dụng có ý nghĩa và tác dụng thực tế trong cuộc sống của đời sống vợ chồng trẻ (xoong, nồi, bát đĩa, quần áo trẻ sơ sinh…) hay có nơi là một số tiền, mảnh đất, căn nhà để làm vốn… một số nơi còn tổ chức cưới từng cặp hoặc nhiều cặp một lúc và đều lý thú là “đoàn thể” đứng ra tổ chức cưới xin kiểu này có một lợi thế là ít tốn kém nhưng lại rất trang trọng và rất vui.
Những năm gần đây, kinh tế của đất nước và từng gia đình khá lên ít nhiều thì phong tục cưới xin đã tác động mạnh và diễn ra theo hướng đa dạng, phức tạp và có dấu hiệu đáng lo ngại. Nét đặc trưng dễ nhận thấy và cũng phổ biến là cưới xin ngày nay vừa mang màu sắc phục cổ (bắt chước các công đoạn sách “thọ mai gia lễ”, vừa mang màu sắc lai căng (bắt chước cưới xin kiểu phương tây). Nhiều đám cưới cả bố mẹ hai bên và cô dâu, chú rể chỉ lo sao tổ chức lễ cưới thật to, sang trọng, mời nhiều; khách đến dự thật đông… được như vậy người ta mới thấy thỏa mãn.
Một đám cưới, vài năm trước đây rước dâu bằng xe đạp, xe máy, cô dâu mặc áo dài truyền thống, ôm bó hoa trắng, có chụp hình, liên hoan bánh, kẹo, thuốc lá, bao bạc, đầu lọc đã là sang trọng. Nay làm như vậy chưa là “cái đinh gì”, mà phải là ô tô xịn, quay camera, chụp hình, cô dâu phải mấy lần thay váy, tiệc phải đặt ở khách sạn vài ba sao, khách đến dự bao giờ cũng phải có “Phong bao”… không chỉ ở thành phố, thị xã mà các vùng nông thôn bây giờ cũng đua nhau bày ra những lễ cưới xa hoa, tốn kém, có lúc còn lố lăng, kệch cỡm…
– Đăng ký kết hôn: Cô dâu, chú rể cùng cha mẹ, họ hàng, bạn bè đến cơ quan chức năng địa phương đăng ký kết hôn và nhận giấy chứng nhận kết hôn.
– Mời dự lễ cưới: Số lượng, đối tượng khách mời do cô dâu, chú rể và cha mẹ quyết định; Tốt nhất là chia hai loại: Báo hỷ và mời dự lễ.
– Lễ cưới: Làm như thế nào (hình thức, nội dung…) cho tối ưu, phù hợp với hoàn cảnh gia đình và xã hội, theo phương châm trang trọng, tiết kiệm, không gây khó khăn cho mình và cho khách được mời.
Tổng hợp
Dù thời nào đi nữa thì khi tổ chức lễ cưới cho con của mình, cha mẹ luôn mong muốn cho con mình được hạnh phúc.